Những ngày qua, không chỉ giới nghệ sĩ mà báo giới cũng xôn xao trước thông tin diễn viên Diễm My vừa sở hữu chiếc du thuyền 2 triệu USD. Tuy nhiên đây không phải là lần đầu thông tin về du thuyền tại VN nở rộ.
Trước đó không chỉ có du thuyền ngoại nhập mà đã có cả du thuyền made in VN. Khi được hỏi về chiếc du thuyền 2 triệu USD của mình, Diễm My xác nhận nhưng không quên nói thêm chiếc du thuyền này thuộc sở hữu của công ty ông xã chị - Saigon Marina. Đây là chiếc du thuyền hiệu Sunseeker của hãng sản xuất du thuyền hàng đầu thế giới Sunseeker International (Anh Quốc). Hãng này đã từng sản xuất nhiều du thuyền cho các tỷ phú trên thế giới, trong đó có du thuyền của chủ CLB Chelsea Ambramovich. So với những chiếc du thuyền trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD của những tỷ phú hàng đầu thì chiếc du thuyền của vợ chồng Diễm My chỉ như "ca nô so với tàu biển". Hiện chiếc du thuyền trên chỉ được gia đình Diễm My sử dụng khi không có ai thuê. Saigon Marina không tiết lộ giá thuê nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì những khách thuê trước không dưới 1.000 USD/ngày. Tuy nhiên tại VN, vẫn có thể ra khơi cùng du thuyền với giá rẻ hơn. Đầu tháng hai, chiếc du thuyền "made in Việt Nam" mang tên "King Yatch" đã ra mắt tại Nha Trang và từ tháng 05/2009 được đưa vào phục vụ du khách rộng rãi. King Yatch thuộc sở hữu của Cty TNHH Hải Âu Nha Trang, do Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Trường Đại học Nha Trang) trực tiếp thi công và đóng mới bằng chất liệu composite, trị giá gần 1 triệu USD, có chiều dài 28 m, rộng 8 m và cao 10 m, công suất 430 mã lực, vận tốc đạt 12 hải lý/giờ. King Yatch được thiết kế theo tiêu chuẩn 4 sao với hệ thống nhà hàng, bar, phòng massage, phòng tắm nắng, phòng ngủ đầy đủ trang thiết bị cao cấp… Ngoài ra còn có 1 phòng tắm hơi, 2 phòng massage và một khu vực tắm nắng riêng biệt. Giá cho mỗi chuyến tham quan (kéo dài khoảng 4-7 giờ) khoảng 30-35 USD/người, giá thuê phòng là 150USD/phòng đôi, còn nếu khách muốn thuê trọn gói du thuyền sẽ phải bỏ ra 3.500 USD. Ngoài ra, khách còn có thể thuê tàu để tổ chức tiệc cưới, sinh nhật, gala dinner hay các chương trình vui chơi riêng theo gia đình. Nhưng chiếc du thuyền trên chưa phải là du thuyền đầu tiên tại VN Ngay từ tháng 12/2007, đã có chiếc du thuyền hiệu Sunseeker Manhattan 60 trị giá 2 triệu USD nhập về VN thông qua Công ty Cổ phần ô tô Âu Châu (Euro Auto). Cho đến nay tên tuổi chủ nhân của chiếc du thuyền này không được tiết lộ nhưng nhiều người biết đây chính là chiếc du thuyền của gia đình Diễm My. Gần đây chiếc du thuyền này mới xuất hiện công khai vì nhiều lý do khác nhau. Ngay cả việc trước đây Sunseeker International chọn Euro Auto là nhà phân phối độc quyền các sản phẩm du thuyền cao cấp của hãng tại Việt Nam nhưng nay lại chuyển sang Saigon Marina cũng đang trong vòng bí ẩn. Du thuyền King Yatch sản xuất tại Việt Nam Lộ diện bất ngờ nhất là chiếc Diamond Island - hiệu Princess 58 của Anh Quốc đã tới Nha Trang nhân dịp Hoa hậu Hoàn vũ tổ chức tại đây vào tháng 12 năm ngoái. Người mua chiếc du thuyền này là Việt Nam Yacht, công ty đầu tiên và duy nhất hiện nay sở hữu du thuyền yatch. Chiếc yacht (du thuyền) đầu tiên của Việt Nam này đã được nhập nguyên chiếc từ câu lạc bộ Princess nổi tiếng. Không ồn ào nhưng chiếc yacht đầu tiên của Việt Nam này đã gây nên sự chú ý lớn cho du khách và người dân Nha Trang. Chiếc du thuyền này có máy lọc nước ngọt từ nước biển, cùng nhiều phòng ngủ, nghỉ sang trọng và hệ thống trang thiết bị kỹ thuật cao cấp có thể chịu được bão. Trước khi về VN, chiếc du thuyền này đã neo đậu tại vịnh Sentosa (Singapore), nơi neo đậu các du thuyền của nhiều tỷ phú Anh quốc, Nhật Bản, Trung quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Thụy Sĩ… Đại sứ VN tại Singapore đã lên thăm tàu và treo cờ VN trên tàu. Dù số du thuyền tại VN đến nay chưa đến 5 chiếc nhưng ông Ông Gordon Hui, Giám đốc Điều hành của Sunseeker Asia cho biết: "Tôi tin sau khi Sunseeker Manhattan 60 có mặt tại VN thì trong những năm tới sẽ còn nhiều du thuyền xuất hiện trên vùng biển tuyệt đẹp của VN. Đến TPHCM và Đà Nẵng, tôi thực sự ấn tượng với các dự án bến đỗ thuyền cao cấp, với các bãi biển tuyệt đẹp". Nắm bắt nhu cầu này, tháng 03/2009, "Chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển đã đưa bến du thuyền đầu tiên tại Việt Nam vào hoạt động với mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Bến du thuyền Tuần Châu (Hạ Long, Quảng Ninh) có chiều dài đậu thuyền 1.900 mét, chiều sâu 12 mét với nhiều khu giải trí như nhà ga, vũ trường, khu phố, khu mua sắm,… Bến này được xây dựng để đón những du thuyền của Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc.... vào Hạ Long tham quan và giải trí. Khác hẳn với e ngại của nhiều người, sở hữu và sử dụng du thuyền đơn giản hơn rất nhiều so với chiếc máy bay riêng của Chủ tịch CLB Hoàng Anh- Gia Lai Đoàn Nguyên Đức. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, chủ sở hữu có thể đăng ký du thuyền là dạng tàu biển hoặc tàu sông, tùy vào việc sử dụng du thuyền ở địa hình nào. Chiếu theo những quy định hiện hành thì những chiếc du thuyền Sunseeker đang có tại VN nằm trong diện tàu biển loại nhỏ. Như vậy du thuyền này không phải vào sổ đăng ký tàu biển quốc gia và được miễn một số loại giấy tờ.... Tuy nhiên trước khi đăng ký và đem vào hoạt động, du thuyền phải được Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn. Chủ du thuyền được quyền đặt tên, chọn cơ quan đăng ký khu vực. Cục Hàng hải sẽ căn cứ vào kích thước, trọng lượng, tầm hoạt động của du thuyền để quyết định thủy thủ đoàn gồm bao nhiêu người, bằng hạng gì cho thuyền trưởng, trình độ máy trưởng... Nếu giấy tờ hợp lệ, Cục sẽ cấp giấy chứng nhận trong thời hạn bảy ngày. Ngay cả khi du thuyền chưa đưa về Việt Nam, người chủ cũng đã có thể đi làm thủ tục đăng ký trước. Ông Nguyễn Trọng Trường, Cục phó Cục đăng kiểm VN khẳng định "Quy định rất rõ ràng, chúng tôi không phân biệt du thuyền 2 triệu USD hay du thuyền vài trăm triệu, cứ đúng, đầy đủ thủ tục là cho đăng kiểm". Riêng phần đăng ký tàu biển và thuyền viên thì Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu người điều khiển phải có chứng chỉ thuyền trưởng tàu biển. Thủy thủ đoàn trên du thuyền của Cty Saigon Marina Cục Hàng hải sau khi kiểm định thực tế mới có thể quyết định bằng lái của thuyền trưởng thuộc hạng nào; bằng cấp, chứng chỉ của thủy thủ đoàn, thợ máy, thuyền viên...Nhưng theo tìm hiểu của Tiền Phong thì thủ tục, thời gian đăng ký đơn giản và ngắn hơn nhiều so với máy bay của bầu Đức. Nguyên nhân chính là do máy bay vướng phải các vấn đề về an ninh, an toàn hàng không còn tàu biển dễ kiểm soát, quản lý hơn. Một lãnh đạo Cục Hàng hải cho hay du thuyền 2 triệu USD chứ 10-20 triệu USD thì thủ tục cũng không khó khăn như máy bay, bằng chứng là nhiều tàu biển lớn trị giá gần trăm triệu USD nhập về VN vẫn không gặp nhiều rắc rối nếu có đủ giấy tờ. Du thuyền chạy trên sông hay trên biển tuân theo các quy định dành cho tàu sông hay tàu biển, hoàn toàn không có những quy định riêng hay chờ luật, lệ gì mới. Hiện các Cty bảo hiểm lớn như Bảo Minh, Bảo Việt, Bảo hiểm dầu khí…cũng đã nhận bảo hiểm cho du thuyền vì từ lâu họ cũng đã bán bảo hiểm cho tài biển trị giá hàng trăm triệu USD. Phó Giám đốc một Cty kinh doanh bảo hiểm nói "chỉ sợ không có tiền mua du thuyền thôi chứ có rồi bảo hiểm tranh nhau đến mời chào".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét