Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Giới thiệu về làng Kim Liên-quê nội Bác Hồ


Giới thiệu về làng Kim Liên-quê nội Bác Hồ

Làng Chùa (Hoàng Trù) và làng Sen (Kim Liên) gắn liền với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghi lại một cách sinh động trong các di tích lưu niệm của Người tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn.


Sau lũy tre xanh ở làng Chùa (Hoàng Trù) và làng Sen (Kim Liên) vẫn còn nguyên nếp nhà tranh giản dị, những kỷ vật thân thương nhuốm màu thời gian gần một thế kỷ đã đi vào lịch sử nhân loại, trở thành tài sản vô giá của dân tộc, có ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Những di sản văn hoá vật chất đó đã góp phần phản ảnh cuộc đời cao đẹp của chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất thế giới, người con ưu tú bậc nhất của xứ sở Lam Hồng và của đất nước Việt Nam.


Ngôi nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Làng Sen - quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một làng quê thơm ngát hương sen, đó chính là nơi người đã sống trong thời niên thiếu (1901-1906).
Làng Sen có tên chữ là Kim Liên (Bông Sen Vàng). Sau luỹ tre xanh là ngôi nhà lá 5 gian đơn sơ, mộc mạc của gia đình cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khoa thi hội năm Tân Sửu (1901) ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng, theo tập tục của địa phương và nguyện vọng của dân làng, ông cùng các con rời làng Chùa (Hoàng Trù) về sống tại làng Sen quê nội. Ngôi nhà này là do bà con làng Sen quyết định xuất quỹ công dựng để mừng ông Phó bảng. Tất cả cây cối trong vườn cũng đều do dân làng trồng cho.


Trong ngôi nhà đơn sơ này cụ Sắc đã dành hai gian rộng rãi để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Sắc, ở đây có bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ và đây cũng là nơi vào các buổi tối cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước trà xanh. Nhân cách cao thượng của người cha và lòng nhân ái vị tha của người mẹ đã ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách các con của cụ Sắc.


Hiện nay các kỷ vật trong gian nhà của cụ Sắc còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn. Hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ phó bảng và hai con trai. Chiếc giường xinh xinh là của bà Thanh con gái của cụ. Chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen vẫn còn nguyên đó.Đến với Làng Sen, du khách vừa được chiêm ngưỡng cảnh làng quê điển hình của Việt Nam đồng thời chứng kiến những kỷ vật thiêng liêng gắn bó một thời của Hồ Chủ Tịch, người cha già của dân tộc Việt Nam, một danh nhân của thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét