Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Lễ hội Đền Vua Mai – Nét văn hóa tâm linh của người Nam Đàn


Đã trở thành nét truyền thống, những ngày đầu xuân, những người con của Nam Đàn cũng như du khách thập phương lại nô nức tìm về với Lễ hội Đền Vua Mai (Nam Đàn–Nghệ An) để tưởng nhớ công đức Vua Mai Hắc Đế cùng với các tướng lĩnh của ông, ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược phương Bắc, xây dựng nước Vạn An độc lập (722-726).
Le hoi Den Vua Mai net van hoa tam linh cua nguoi Nam Dan
Người tiếp lửa trong đêm trường u tối
Vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt, nay là xã Nam Thái (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Năm 713, Mai Thúc Loan có mặt trong đoàn phu đi cống vải (trái vải-một loại vải rất ngon ở chân núi Đại Huệ) cho Đường Huyền Tông. Dọc đường, dân phu vô cùng khổ cực. Là người có sức khoẻ, nhanh nhẹn, giỏi võ lại tài năng, chí lớn, Mai Thúc Loan vận động dân phu nổi dậy giết bọn quan, lính áp tải, rồi dùng trái “lệ chi” làm lễ ăn thề. Mọi người cùng nhau tuyên thề: “Dốc chí phục thù, giết hết bọn giặc để cứu nước” và tôn Mai Thúc Loan làm chủ suý.
Mai Thúc Loan lập nghĩa quân, tập hợp phường săn quanh vùng có đến mấy trăm người để thêm sức mạnh.  Chọn Sa Nam làm căn cứ đã cho thấy tầm nhìn của ông rất xứng với địa vị thủ lĩnh, bởi địa thế này vừa có thế chủ động cũng có thể thủ. Rú Đụn lớn hơn rú Vệ, hiểm trở và kín đáo, hai bên có sông Lam bao bọc. Xây đắp chiến luỹ thành Vạn An ở ngay Thị trấn Nam Đàn bây giờ, chứa voi trận, khí giới, vũ khí, lương thực dự bị để tính kế lâu dài.
Binh hùng tướng mạnh, căn cứ vững chắc, nhân dân một lòng ủng hộ, chẳng mấy chốc Mai Thúc Loan đã thu được một vùng giang sơn rộng lớn. Đất nước được giải phóng, Mai Thúc Loan được ba quân tôn lên làm Vua. Ông kéo quân về thành Vạn An và lấy thành Vạn An làm quốc đô. Vua có nước da đen, nên nhân dân thân mật gọi ông là Mai Hắc Đế.
Hơn một ngàn năm Bắc thuộc, Nam Đàn được ghi vào lịch sử dân tộc như là quê hương, nơi xuất phát của một cuộc khởi nghĩa oanh liệt chống quân quan nhà Đường từ năm 713 đến năm 722 do Mai Thúc Loan lãnh đạo.
Khi ông mất, nhân dân đã xây dựng mộ tại núi Đụn Sơn, hậu cứ của nghĩa quân và là nơi ông trút hơi thở cuối cùng (nay thuộc xã Vân Diên). Đồng thời, người dân cũng lập đền thờ ông tại Vệ Sơn, trung tâm chỉ huy chiến đấu của ông thuở trước, nay thuộc khối Mai Hắc Đế (thị trấn Nam Đàn) để thờ phụng. Đồng thời ghi nhớ công lao người mẹ đã có công sinh thành và dưỡng dục ông, nhân dân đã xây mộ tại núi Dẻ, xã Nam Thái. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, ngoài lễ hội đền Vua Mai, hàng năm nhân dân Nam Đàn còn tổ chức nhiều kỳ lễ trọng như: giỗ thân mẫu Vua Mai 14-7 âm lịch, giỗ Vua Mai vào 16-9 âm lịch, giỗ Mai Hoàng Hậu 15-7 âm lịch.
Riêng Lễ hội Đền Vua Mai là lễ hội được tổ chức quy mô lớn và long trọng nhất. Các hoạt động sôi nổi trong Lễ hội Đền Vua Mai luôn thu hút được đông đảo người dân và du khách đến tham gia. Mỗi năm du khách đến với Lễ hội ngày càng nhiều, năm 2010, Lễ hội Đền Vua Mai đã đón trên 3 vạn du khách đến tham quan.
Hội Vua Mai – Lưu giữ truyền thống yêu nước của dân tộc
Lễ hội Đền Vua Mai hằng năm được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 17 tháng giêng âm lịch.
Ngày 13 tháng giêng âm lịch sẽ tiến hành các lễ: Lễ rước nước, Lễ Mộc Dục, Lễ tế Gia Quan. Lễ rước nước được tiến hành hết sức cẩn thận; trước đó một ngày, các làng cử người ra sông lấy nước. Người ta đặt trên kiệu thần một cái chum sành, đám rước được tiến hành từ Đền Vua Mai ra bờ sông, sau đó chọn những chàng trai khoẻ mạnh khiêng chum đưa xuống thuyền, chèo ra giữa song Lam, một cụ già (là người có đức độ, có uy tín trong làng) dùng gáo đồng múc nước song đổ lóng qua miếng vải Điều bịt trên miệng chum, khi chum gần đầy người ta chèo thuyền vào bờ và đặt chum lên kiệu thần rước về Đền.
Sau Lễ rước nước là Lễ Mục Dục, tức là lễ lau rửa tượng thần, đồ tế khí, long ngai và tất cả những đồ vật có trong Đền Vua Mai. Sau khi lau rửa, làm lễ khoác áo, bắt đầu tuần lễ rước Long kiệu gọi là Lễ tế Gia Quan.
Ngày 14 tháng giêng âm lịch, Ban phụng sự của các làng được cử ra để  làm lễ Yết cáo xin thần Mai Hắc Đế mở hội và mời các chư vị thần linh về dự hội.
Ngày 15 tháng giêng âm lịch là ngày Đại tế (Lễ tế thần) có ý nghĩa thỉnh mời và đón rước các chư vị thần linh về dự hội để dân làng chúc tụng, tỏ lòng biết ơn đấng thần linh. Đây là nghi lễ trang trọng nhất trong hệ thống lễ kỳ đại tế có thể kéo dài đến hết ngày 17 tháng giêng Âm lịch.
Vào những ngày này, quanh khu vực Đền Vua Mai du khách từ thập phương về trẩy hội kín cả một vùng. Các tục, trò diễn, trò chơi dân gian, dần dần trở thành nét văn hoá, phong tục tốt đẹp từ ngàn đời nay của người dân Nam Đàn. Các phe, giáp, phường, hội náo nức đua tài. Tham gia Hội, du khách được hoà mình với những trò chơi truyền thống, được trở về với những nét văn hoá xa xưa rất thú vị như: đua thuyền, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, đấu vật… Ban đêm, du khách sẽ được thưởng thức những loại hình ca hát từ thuở xưa: ca trù, ví phường vải, chèo, tuồng, giao duyên…
Đấu vật được xem là trò chơi được nhiều thanh niên trai tráng trong vùng đam mê. Nó bắt nguồn từ những lần tuyển quân của Vua Mai Hắc Đế. Từ thuở thiếu thời, Vua Đen là cậu bé có sức khoẻ hơn người, mười tuổi đã dùng rìu chém hổ, mười bốn tuổi đã quật ngã những tên lính Đường trong hội đấu vật. Bởi vậy, khi trở thành Hoàng đế, ông vẫn giữ được khí phách, tinh thần của người dân thượng võ. Để “kén tướng chọn quân” hàng năm vào mùa xuân vua Mai cho các vùng tổ chức thi vật, chọn lấy những đô vật khoẻ mạnh, bổ sung cho đội quân tiên phong của mình. Từ đó, đấu vật đã trở thành một tập quán trong các kỳ hội làng.
Đua thuyền là hoạt động khá độc đáo trong Lễ hội. Đua thuyền gắn với sự tích trận thuỷ chiến của Hoàng hậu (Vợ Mai Hắc Đế) đánh quân Đường trên sông Tô Lịch. Chính nơi đây để khỏi rơi vào tay quân địch Bà đã tuẫn tiết để giữ trọn khí tiết của mình. Đua thuyền còn có ý nghĩa gắn liền với Lễ Rước sắc từ đền Vua Mai lên mộ. Đám rước này được tiến hành khá độc đáo: Đám rước có thể đi bộ hoặc đi thuyền lên mộ. Chính vì đám rước sắc đi bằng thuyền trên sông nên còn gọi là lễ chèo bơi. Dần dần lễ này đã trở thành một tập tục đua thuyền trên sông Lam.
Chọi gà vốn là trò chơi dân gian từ ngàn xưa của người dân làng xã. Nhưng với Hội đền Vua Mai thì chọi gà mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Những tháng năm luyện binh và chiến đấu ngoài chiến trường những người lính xa nhà nhớ đến vợ con ở quê nhà. Vì thế Hội thi gà được vua Mai mở ra nhằm mua vui, động viên tinh thần quân sỹ. Từ đó, chọi gà trở thành tập tục trong Hội đền Vua Mai.
Lễ hội đền Vua Mai với nhiều giá trị văn hoá truyền thống độc đáo, không biết từ bao giờ đã trở thành nét văn hoá tâm linh của người dân Nam Đàn và của nhân dân cả nước
Thuý Tình
Lễ hội năm nay diễn ra trong ba ngày từ 15 đến 17-2, với nhiều hoạt động như: lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ đại tế và lễ tạ. Theo dự tính, lực lượng chính tham gia vào đoàn rước lễ hội khoảng trên 2 nghìn người. Phần hội được tổ chức hoành tráng, đa dạng với nhiều hoạt động vui chơi mang đặc trưng văn hoá dân gian như: cỗ xôi gà, đấu vật, đua thuyền, đu tiên, chọi gà, hát chèo, tuồng…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét